“Học STEM” bắt đầu từ đâu?

September 20, 2022 0 Comments

Với làn sóng “Cờ Mờ Cờ Nờ 4.0” (Cách mạng công nghiệp 4.0 – sau đây tôi xin gọi tắt là CM 4.0 cho đỡ mất sức) mà báo đài ra rả trong mấy năm gần đây thì có vẻ ông giáo dục cũng đã đu trend khi liên tục đề cập đến cái thuật ngữ đầy mê hoặc này kèm theo khá nhiều đề xuất cải tiến. Bên cạnh những nội dung truyền thống như “cải tiến sách giáo khoa hàng năm“, tôi cũng nhận thấy có một số thứ mới mẻ như STEM/STEAM education.

Lưu ý: STEM là viết tắt của Science, Technology, Engineering and MathematicsSTEAM là biến thể Science, Technology, Engineering, Arts and Mathematics (tức là bổ sung thêm Arts – Nghệ thuật)

Trước tình hình đó, dù đã xác định không chạy đua vũ trang chuyện học hành của con cái với thiên hạ (con tôi vẫn chưa vào lớp 1), tôi cũng vẫn tò mò lên Internet tìm hiểu thử coi cái vụ STEM này là gì.

#1. Những bước chân đầu tiên trên hành trình “tìm” STEM

Theo các nguồn tin tôi tìm được, có thể hiểu STEM là phương pháp giáo dục hướng tới việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn dựa vào kiến thức tổng hợp của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (tôi thấy người ta dùng từ tiếng Anh gốc là interdisciplinary – tạm dịch là “liên môn” – nghe hơi rối nên tôi không muốn dùng). Tức là phải xác định vấn đề cần giải quyết là gì trước rồi sau đó mới tính coi cần học những kiến thức gì để có thể giải quyết nó.

Việc này có thể xem là đối lập với phương pháp giáo dục truyền thống vốn tách biệt kiến thức thành các môn rời rạc (ví dụ Toán, Lý, Hóa) như ngày xưa tôi học (tôi không chắc lắm nhưng hình như phần lớn chương trình giáo dục hiện nay vẫn thế).

Như vậy, về cơ bản STEM sẽ giúp cho trẻ tự biết trả lời câu hỏi kinh điển “Cái này học để làm gì?” Và quan trọng hơn, việc hiểu rõ mục đích học sẽ có thể giúp trẻ sớm nhận ra các sở thích từ đó từng bước định hướng nghề nghiệp trong tương lai (thay vì chờ đến năm lớp 12 rồi cứ nhắm mắt chọn đại một ngành học vì gia đình, bạn bè, xã hội hay “ông chú/bác làm to ở công ty xyz” bảo thế).

Dù cái thuật ngữ STEM nghe có vẻ cao sang và xa vời nhưng theo lời nhiều “chuyên gia” trên Internet, việc triển cái ý tưởng dạy STEM thật sự không quá khó và vẫn có thể bắt đầu áp dụng ngay từ lứa tuổi mẫu giáo. Điểm mấu chốt ở đây là phải thiết kế chương trình phù hợp với khả năng tiếp nhận cũng như tạo được sự hứng thú để thúc đẩy quá trình tương tác, khám phá của trẻ.

Nghe cũng cuốn đấy nhưng mà tất nhiên tôi làm gì có đủ năng lực để tự xây dựng được một chương trình STEM chuẩn mực như các chuyên gia nói. Do vậy, tôi lại phải lần mò tìm hiểu thử coi hiện người ta làm như thế nào đã.

Sau một hồi đào bới thông tin (tôi bấn đến độ phải mò vào đọc cái bài có tiêu đề kiểu như “Giáo dục STEM – Thực trạng và giải pháp“), tôi chỉ tìm được các chỉ dẫn chung chung và mấy khóa học liên quan chứ không có chương trình gì cụ thể cho cho độ tuổi tiểu học (chứ đừng nói tới mẫu giáo). Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm thông tin, tôi cũng ghi nhận được một ý tưởng hay ho là mua sách hướng dẫn thực hành STEM rồi tự dạy ở nhà.

#2. “Xuất ngoại” đi tìm STEM

Tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, tôi tìm thêm được một số thông tin thú vị như sau.

Thứ 1 là cái STEM Education for the 21st Century với Course Summary (Nội dung tóm tắt), Course Objectives (Mục tiêu) và Skill-based Outcomes (Bộ kỹ năng sẽ có sau khi cày xong khóa học) như sau.

Course Summary
Course Summary
Course Objectives and Skill-based Outcomes
Course Objectives and Skill-based Outcomes

Nhìn chung khóa học này nhằm hướng dẫn cho giáo viên hoặc phụ huynh (trong trường hợp này là tôi) xây dựng chương trình giáo dục theo kiểu STEM cho trẻ. Tôi nghĩ cái này sẽ giúp tôi khá nhiều khi cần nghiên cứu chi tiết hay thậm chí tự tự thiết kế chương trình STEM. Nội dung này khá dài nên tôi sẽ cần quay lại đọc chi tiết sau nhưng đâu đó tôi thấy có đề cập đến việc học online (Google Classroom) và Code (lập trình) với Scratch.

Thông tin thứ 2 tôi thấy khá hay ho là Astra Nova School. Dù không đề cập trực tiếp nhưng tôi cảm nhận cái trường này cũng theo kiểu STEM education với phương pháp gợi mở vấn đề cho trẻ độc lập suy nghĩ và giải quyết thông qua các ConundrumSynthesis.

Astra Nova School
Astra Nova School

Lưu ý:

  • Astra Nova là trường học online dựa trên nền tảng của trường Ad Astra ban đầu. Ad Astra là ngôi trường (offline) nằm trong khuôn viên công ty SpaceX phục vụ số lượng giới hạn con em của mấy ông bà làm ở công ty này;
  • Conundrum đại khái là các vấn đề/câu hỏi với đặc thù là không có đáp án đúng sai rõ ràng mà câu trả lời sẽ tùy thuộc vào nhận định và đánh giá của từng cá nhân. Bạn có thể xem thử cái The Arctic Conundrum nếu muốn hình dung rõ hơn.

Với triết lý giáo dục hướng đến cá nhân hóa cho từng trẻ và nói không với “luyện gà công nghiệp“, đây chắc chắn cũng là một trang mà tôi cần lưu lại để nghiên cứu kỹ hơn.

Thông tin thú vị thứ 3 mà tôi tìm được liên quan đến một thứ khá quen thuộc với đa số trẻ đó là The LEGO® Learning System | LEGO® Education.

LEGO Learning System
LEGO Learning System

Tôi soi qua thử các nội dung như Curriculum, Bricks, Programming và Intelligent Hardware thì thấy khá hấp dẫn (thú thật tôi cũng muốn chơi trò này). Điểm tôi thấy hơi lấn cấn là giá cả của đám “đạo cụ” để chơi (và học) này khá chát. Tôi sẽ để nó vô danh sách cần nghiên cứu thêm sau.

Thứ 4, tôi cũng tìm được một số nội dung STEM education từ ông Microsoft với STEM Skills & Lessons for the Classroom | Microsoft Education.

Microsoft STEM education
Microsoft STEM education

Đại khái ở đây tôi sẽ có thể truy cập các công cụ vài bài giảng “chùa” hỗ trợ cho công cuộc STEM education. Chỗ này nhìn chung thiên về các hoạt động liên quan đến Computer Science (Khoa học máy tính) mà đặc biệt là lĩnh vực Coding (Lập trình). Đây là hàng “free” nên chắc chắn tôi sẽ quay lại khai thác sau.

cuối cùng, tôi cũng tìm thấy một sản phẩm hỗ trợ STEM education của ông Google có tên gọi là Blockly.

Blockly
Blockly

Đây là dạng ngôn ngữ lập trình kiểu trực quan (với các blocks có thể kết nối lại với nhau) nhằm giúp trẻ tiếp cận dễ dàng hơn so với các ngôn ngữ lập trình khác.

#3. Chốt hạ

Sau khi rà soát lại các thông tin đã thu lượm được tôi nhận thấy sự xuất hiện của khá nhiều nội dung liên quan đến máy tính (mà đặc biệt là phần Coding) trong các chương trình STEM. Tôi nghĩ điều này có thể xuất phát từ việc bản chất CM 4.0 sẽ tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin để “nâng cấp” các hệ thống, công nghệ hiện hữu. Do vậy, nhu cầu học tập, nghiên cứu liên quan đến công nghệ thông tin là tất yếu (chứ không học thì nâng cấp bằng mõm à?).

Đồng thời, một số nghiên cứu mà tôi tìm được cũng chỉ ra rằng, kể cả với trường hợp trẻ không có định hướng nghề nghiệp liên quan đến Coding, kỹ năng giải quyết vấn đề được trui rèn trong quá trình học tập này cũng là điều đáng giá.

Ngoài ra, sau mấy mùa Covid, xu hướng học online cũng khiến tôi nhận ra thủ sẵn kỹ năng liên quan đến máy tính trong thời buổi này chắc chắn là không thừa thãi.

Rồi thôi, tôi túm lại các nội dung quan trọng cho ngày đầu tiên tìm hiểu về STEM:

  • STEM là phương pháp giáo dục hướng tới việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn dựa vào kiến thức tổng hợp của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tức là học để biết cách giải quyết một vấn đề thực tế trong cuộc sống (chứ không phải học để “thi”???);
  • Một số đầu sách hướng dẫn thực hành STEM education “tại gia” có thể giúp tôi tự chế biến một số nội dung đúng “chuẩn”;
  • Thông tin khóa học STEM Education for the 21st Century sẽ có thể cung cấp các chỉ dẫn cho tôi xây dựng chương trình giáo dục theo kiểu STEM. Phần này cũng có một số nội dung liên quan đến phần Coding với một ngôn ngữ lập trình có tên là Scratch;
  • Astra Nova School có triết lý giáo dục kiểu STEM education thông qua ConumdrumSyntheis đáng để tôi tham khảo;
  • Tôi có thể tăng độ thú vị cho chương trình STEM education với các đồ nghề hỗ trợ với đám LEGO Leaning System;
  • Microsoft có cung cấp các tài nguyên miễn phí để tôi tham khảo và khai thác nhằm hỗ trợ STEM education, đặc biệt là mảng Coding;
  • Ông Google cũng có một sản phẩm hỗ trợ STEM education là ngôn ngữ lập trình trực quan Blockly;
  • Đám Coding có vai trò quan trọng trong hành trình STEM education vì nhu cầu thực tiễn cũng như việc hỗ trợ rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề;
  • Xu hướng học online (ví dụ Astra Nova School nói trên) khiến khả năng làm việc với máy tính trở thành một kỹ năng thiết yếu.

Như vậy, trong giai đoạn kế tiếp, tôi sẽ có 2 nhóm công việc quan trọng cần xem xét bao gồm:

  • Nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể cho STEM education dựa trên các nguồn tham khảo và các công cụ hỗ trợ đã xác định;
  • Xem xét chi tiết việc đưa cái đám Coding và kỹ năng làm việc với máy tính vô chương trình STEM education.

Đến đây tôi cũng xin tạm dừng chương trình đi “tìm STEM“. Hẹn gặp lại bạn trong các kỳ tiếp theo.

One thought on ““Học STEM” bắt đầu từ đâu?”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *